Xuất khẩu nông, thủy sản sang EU: Doanh nghiệp cần nắm vững quy định của thị trường

Mục lục

xuất khẩu nông thủy sản sang EU

 

Thời gian gần đây, một số mặt hàng nông sản và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) bị thu hồi hoặc cảnh báo. Các thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm vững và tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.

Hiện, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam không ngừng tăng lên, hiện đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 13 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Việt Nam đã ký kết và tham gia đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do; trong đó đặc biệt có hai hiệp định thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA).

Các chuyên gia nhận định, việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tích cực xúc tiến thương mại, tháo dỡ rào cản đã mở ra thị trường thế giới rộng lớn tiêu thụ nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Nhưng theo đó, Việt Nam cũng phải thực hiện các cam kết về kiểm dịch động thực vật rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, người sản xuất chưa chú trọng đúng mức, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó về các biện pháp kiểm dịch động thực vật và thường rơi vào thế bị động khi vướng phải các cảnh báo vi phạm các tiêu chuẩn an toàn chất lượng và yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường, thậm chí bị trả lại hàng hóa.

Theo ông Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT), doanh nghiệp cần định hướng thị trường trước, định bán cho thị trường nào thì phải áp dụng sản xuất cho quy trình ở thị trường đó đòi hỏi. Riêng đối với trái cây tươi, sự đòi hỏi về chất lượng, an toàn thực phẩm luôn là khắt khe nhất. Do đó, trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động phân tích các chỉ số an toàn thực phẩm.

Đối với các sản phẩm thuỷ sản cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thuỷ sản và kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến.

Đối với các sản phẩm gạo, rau quả, trái cây cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hoá chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, đóng gói; tăng cường truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng…

Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Đại diện nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động theo chuỗi nông sản cho rằng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đây là động lực để doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm nhiều thị trường đối với các loại nông sản chủ lực của Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp theo Báo Công Thương